Nhiều sàn môi giới phía Nam đang ra sức đẩy mạnh hoạt động bán hàng vào thời điểm cuối năm nhằm tranh thủ dòng tiền dồi dào trong dân. Dù giao dịch trên thị trường không sôi động như mọi năm do thiếu nguồn cung nhưng cũng đã khởi sắc hơn các tháng trước.
Giao dịch chậm nhưng đã khởi sắc hơn
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, kiều hối chuyển về TP.HCM tăng bình quân 8-10%/năm. Trong 9 tháng của năm 2019, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại và các tổ chức kinh tế trực tiếp nhận, chi trả ngoại tệ ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018. Dự kiến, cả năm kiều hối đạt khoảng 5 tỷ USD. Lượng kiều hối thường dồn vào cuối năm nên đây chính là thời điểm tốt nhất để môi giới BĐS kiếm hợp đồng. Tuy nhiên năm nay, lượng dự án mới triển khai ít ỏi, ngân hàng siết tín dụng, thủ tục rà soát dự án… khiến giao dịch chậm hơn.
Nhiều sàn giao dịch than khó khi thiếu nguồn hàng chào bán dù sức mua có cải thiện
Lãnh đạo một sàn môi giới tại quận Bình Thạnh chia sẻ, nguồn cung sản phẩm cuối năm nay khan hiếm thấy rõ nếu so với các năm trước, không chỉ ở TP.HCM mà cả những dự án triển khai tại tỉnh cũng chào hàng với số lượng hạn chế, nhất là các dự án đất nền. Một số chủ dự án quyết định dời lịch mở bán dù danh sách khách hàng đặt mua cao hơn dự kiến.
Anh N.V. Phúc, một môi giới bất động sản lâu năm tại khu vực Thủ Đức cho biết, rổ hàng của các dự án đưa ra thị trường từ đầu năm đến nay khá ít, chủ yếu là các dự án quy mô từ vài trăm căn. Đến thời điểm này hầu như chỉ có dự án tại quận 9 là có nguồn cung lớn, song giá bán khá cao. Thị trường có xu hướng chậm lại, nhưng nhu cầu của người mua không giảm. Anh Phúc dẫn chứng, những căn nhà phố do khách gửi vẫn giao dịch đều đặn cho cả khách mua ở và khách đầu tư, giá cũng tăng cao hơn sau mỗi lần sang tay.
Còn theo anh Đỗ Mạnh Đạt, đại diện công ty môi giới tại quận Thủ Đức, năm nay thị trường có chút khó khăn do các sàn ít hàng để bán, lượng giao dịch chốt thành công không cao và chủ yếu tập trung ở thị trường thứ cấp. Tuy nhiên thị trường vẫn có những tín hiệu tích cực khi một số dự án được nhiều khách hàng quan tâm dù đang trong giai đoạn rumor (giai đoạn chưa công bố chính thức). Nhìn chung, giao dịch thời điểm cận Tết tuy không sôi động như mọi năm nhưng đã khởi sắc hơn rất nhiều so với các tháng trước đó.
Nguồn cung mới sẽ được khơi thông trong năm 2020?
Đất nền vẫn là phân khúc gặp nhiều khó khăn do nhà đầu tư chưa quay lại thị trường này
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group nhìn nhận, về cuối năm, lượng cầu đang có xu hướng tăng, nhưng số lượng giao dịch không nhiều, vì lượng cung hàng hóa không đủ đáp ứng. Nói rộng ra là lượng cầu phân tán trên toàn bộ các quận/huyện của TP.HCM, mà lượng cung thì lại tập trung chủ yếu ở khu Đông. Mặt khác, sự lệch pha về các phân khúc sản phẩm cũng tác động lớn đến lượng giao dịch vào cuối năm, bởi những sản phẩm dành cho người ở thực hay người có thu nhập thấp trên địa bàn không có nhiều, còn những sản phẩm cao cấp thì dù có muốn mua, đa số cũng có giá sang nhượng cao, vượt khả năng nhiều người.
Nhìn nhận về thị trường 2020, ông Phúc cho rằng, thị trường BĐS năm 2020 có thể khắc nghiệt hơn năm 2019. Các doanh nghiệp BĐS có thể sẽ tiếp tục rơi vào khó khăn nếu những vướng mắc về pháp lý dự án, nguồn cung sản phẩm chưa được tháo gỡ. Bên cạnh đó, giá BĐS có thể tiếp tục tăng mạnh khi hệ số giá đất điều chỉnh. Giá đất hiện đã rất cao, thường chiếm từ 20-25% giá thành BĐS. Thời gian tới, giá đất lên sẽ càng đẩy giá bán lên cao, đồng thời doanh nghiệp cũng càng khó tiếp cận đất đai và càng khó giải phóng mặt bằng.
Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, tình hình hạn chế nguồn cung có thể khơi thông trong năm 2020, do nhiều dự án bị trì hoãn vì vấn đề giấy tờ pháp lý trước đó sẽ đồng loạt ra hàng vào năm nay. Khả năng hấp thụ của thị trường dự báo cũng sẽ cao hơn năm 2019.