Để sở hữu một căn nhà khang trang giữa lòng Sài Gòn với số vốn ít ỏi chỉ vài trăm triệu đồng dường như là điều không thể. Tuy nhiên, nếu biết cách tính toán và chọn hình thức đầu tư phù hợp, giấc mơ ấy vẫn có thể trở thành hiện thực.
Dưới đây là chia sẻ của anh Minh Đức về hành trình mua nhà Sài Gòn của mình:
Tôi là kỹ sư cơ khí, làm việc trong một gara ô tô, lương khoảng 17 triệu/tháng. Vợ tôi làm kế toán lương cũng chỉ 13 triệu/tháng. Sau khoảng 7 năm kết hôn, hiện chúng tôi đã mua được một căn nhà khang trang, rộng rãi tại quận 2, TP.HCM. Để có cơ ngơi như ngày hôm nay, vợ chồng tôi đã phải đi con đường dài gấp đôi những gia đình khác. Thay vì tìm mua ngay một căn chung cư bình dân giá rẻ, chúng tôi đã phải mua 2 ngôi nhà cũ và 1 mảnh đất vùng ven sau đó bán lại kiếm lời với mong muốn sẽ có một ngày tiến vào trung tâm Sài Gòn. Rất may mắn là cả 3 lần đầu tư, vợ chồng tôi đều có lãi.
Căn nhà thứ nhất tôi mua đầu năm 2016. Chủ nhà cũ cần tiền nên rao bán gấp căn nhà cấp bốn rộng 32m2, nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường số 17, phường Linh Trung (quận Thủ Đức) với giá 750 triệu đồng. Mặc dù bên ngoài ngôi nhà trông khá cũ kỹ nhưng khung và móng nhà vẫn còn rất chắc chắn. Tôi bàn với vợ rút hết tiền tiết kiệm để mua đứt căn nhà đó rồi sửa sang lại ở tạm một thời gian, chờ lên giá thì bán kiếm lời vì chúng tôi cũng không có ý định ở đây lâu dài. Sau khi vay mượn bạn bè thêm 80 triệu đồng, tôi sửa sang lại ngôi nhà, thay cửa, nội thất nhà tắm, bếp, sơn quét lại toàn bộ nên trông cũng khá khang trang. Đến giữa năm 2016, qua giới thiệu của một người quen, tôi bán lại ngôi nhà trên cho một cặp vợ chồng trẻ với giá 1,1 tỷ, trừ đi chi phí cải tạo lời được 270 triệu đồng.
Để có cơ ngơi như ngày hôm nay, vợ chồng tôi đã phải đi con đường
dài gấp đôi những gia đình khác. Ảnh minh họa
Căn nhà thứ hai nằm tại quận 9 tôi mua hồi đầu năm 2017. Chủ căn nhà này là người gốc Huế, vào Sài Gòn định cư đã khá lâu, do muốn đổi nhà to hơn nên rao bán ngôi nhà này. Căn nhà xây đã lâu, một trệt, một lầu, nằm trong ngõ nhỏ giá 990 triệu đồng. Tôi bỏ thêm 150 triệu để sửa chữa, xây thêm một lầu nữa, sơn cả bên trong lẫn bên ngoài ngôi nhà. Gia đình tôi chuyển về ở được một thời gian thì con đường trước nhà tôi bất ngờ được mở rộng khiến giá đất cũng tăng theo. Chớp thời cơ, vợ chồng tôi quyết định bán ngôi nhà với giá 1,7 tỷ đồng rồi thuê một căn nhà trọ gần đó ở tạm.
Thương vụ đầu tư thứ ba là mảnh đất rộng 90m2, có sổ đỏ tại đường Phan Văn Hớn, quận 12, gần nhà ga Metro số 2. Đầu năm 2018, chủ nhân của mảnh đất này cần tiền gấp để trả nợ ngân hàng nên bán lại cho tôi với giá 2,1 tỷ đồng. Đến cuối năm 2018, khi thị trường bất động sản TP.HCM nóng lên, có người trả giá mảnh đất của tôi 3,3 tỷ đồng. Thấy được giá nên tôi bán luôn.
Với số tiền bán mảnh đất ở quận 12, vợ chồng tôi bàn tính sẽ mua một căn nhà gần trung tâm thành phố để tiện việc đi làm của hai vợ chồng. Hơn nữa, lúc này vợ tôi đang mang bầu đứa con thứ hai, chúng tôi cũng muốn ổn định chỗ ở lâu dài chứ không mua theo kiểu “được giá thì bán” nữa.
Sau một thời gian tìm kiếm, tháng 2/2019 tôi tìm được căn nhà hiện tại đang ở. Ngôi nhà này nằm trong một con ngõ nhỏ thuộc đường số 6, phường Bình Trưng Tây (Quận 2) với diện tích gần 50m2, 3 tầng, giá 3,2 tỷ đồng. Tôi chi thêm 200 triệu đầu tư nội thất đồng bộ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Từ ngày dọn về căn nhà này sinh sống, cả nhà tôi ai cũng cảm thấy sung sướng vì từ nhà đến nơi làm việc của hai vợ chồng chỉ cách chưa đầy 4km. Con gái tôi cũng không phải di chuyển cả chục cây số để đến trường nữa.
Ngẫm lại, nếu như ngay từ đầu, chúng tôi an phận với một căn chung cư bình dân, thì làm sao sau 4 năm, chúng tôi có đủ tiền để xuống nhà mặt đất lại gần trung tâm như bây giờ. Tất nhiên, lựa chọn nào cũng phải đánh đổi, vì trong suốt thời gian đó, chúng tôi phải chuyển nhà liên tục rồi chấp nhận sống tạm trong căn nhà trọ chật chội, nóng bức.
Từ câu chuyện thực tế của bản thân, tôi nhận ra rằng, với khoản tiền vài trăm triệu ban đầu chắc chắn sẽ chẳng thể tìm được nơi an cư ưng ý. Nhất là trong bối cảnh giá nhà đất tại TP.HCM liên tục tăng cao. Tuy nhiên, khoản tiền này lại có thể làm nên chuyện nếu bạn biết cách đầu tư và lựa chọn sản phẩm thích hợp. Đơn cử, đối với hình thức đầu tư nhà cũ rồi bán lại, nên chọn những ngôi nhà có móng và khung vững chắc, nếu không sẽ phải đập đi xây lại hoàn toàn, lúc đó chi phí xây dựng sửa chữa sẽ cao hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, nên đầu tư vào các căn nhà có diện tích vừa phải, phù hợp với túi tiền của đại đa số khách hàng có nhu cầu mua để an cư. Giấy tờ pháp lý của ngôi nhà cũng phải thật đầy đủ, để việc xin giấy phép sửa chữa, xây dựng được nhanh chóng và dễ dàng.