Thành phố Thủ Đức có 3 trục chủ lực về công nghệ cao, nguồn nhân lực và trung tâm tài chính. Từ đây sẽ hình thành một tam giác phát triển rất quan trọng.
Chia sẻ với Zing, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, đặt nhiều kỳ vọng vào việc thành lập thành phố Thủ Đức.
Ông cho rằng với 3 lợi thế sẵn có, thành phố tương lai sẽ góp phần thúc đẩy TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế – tài chính và khoa học – công nghệ của cả nước. Từ thành phố Thủ Đức ở phía đông, một ngày không xa, TP.HCM sẽ có thêm các khu vực vệ tinh khác ở phía tây, phía nam hay phía bắc.
Nhiều tiềm năng, lợi thế hiện hữu
– Thủ tướng vừa bày tỏ ủng hộ 4 đề án đột phá của TP.HCM, trong đó có đề án thành lập thành phố Thủ Đức. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng, lợi thế của khu vực này?
– Theo đề án, thành phố Thủ Đức được thành lập trên cơ sở hợp nhất quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.
Đây là thành phố có vị trí rất quan trọng, giữ vai trò kết nối với sân bay Long Thành, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và nhiều động lực phát triển khác.
Bản thân thành phố Thủ Đức đang có nhiều tiềm năng hiện hữu, như khu công nghệ cao đang phát huy tác dụng rất tốt. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực này hiện tại chiếm tỷ lệ khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, đặt nhiều kỳ vọng vào việc thành lập thành phố Thủ Đức trong tương lai. Ảnh: Hoàng Hà. |
Điều quan trọng hơn, đây là nơi thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thu hút các tập đoàn lớn như Intel, Samsung…
Khu vực này có làng đại học, trong đó, chủ lực là Đại học Quốc gia TP.HCM bên cạnh Đại học Fulbright, Đại học Nông lâm, Đại học Sư phạm Kỹ thuật… Đây sẽ là nơi cung ứng nguồn nhân lực và các sản phẩm nghiên cứu khoa học.
Thành phố Thủ Đức còn có Khu đô thị mới Thủ Thiêm – nơi sẽ đặt trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Đây cũng là 1 trong 4 đề án vừa được Thủ tướng ủng hộ.
Như vậy, chỉ trong khu vực này đã có 3 trục chủ lực về công nghệ cao, nguồn nhân lực và trung tâm tài chính. Từ đây sẽ hình thành một tam giác phát triển rất quan trọng.
Vì sao chọn tên thành phố Thủ Đức?
– Theo ông, vì sao TP.HCM lại chọn tên tạm cho thành phố sắp hình thành là Thủ Đức?
– TP.HCM trước đây có ý tưởng phát triển, xây dựng thành phố phía đông, với mong muốn sẽ giãn ra các khu vực vệ tinh thay vì tập trung vào quận 1. Việc này nhằm giảm áp lực giao thông và nhiều vấn đề khác trong đô thị hiện hữu. Thành phố kỳ vọng nếu phát triển tốt đô thị phía đông thì rất có thể trong tương lai sẽ có thêm thành phố phía tây, phía bắc hay phía nam.
Đề án thành lập thành phố phía đông đã có quá trình chuẩn bị, ươm mầm từ khá lâu trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.
Mới đây, TP.HCM lấy tạm tên thành phố Thủ Đức – vốn là tên cũ của huyện Thủ Đức trước đây.
Hơn nữa, tên tạm là thành phố Thủ Đức (sau này có thể thay đổi) cũng thể hiện sự tinh gọn bộ máy khi gộp 3 quận thành một đơn vị hành chính mới.
Khu đô thị Thủ Thiêm của thành phố Thủ Đức sẽ được xây dựng trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Ảnh: Quỳnh Danh. |
– Đề án thành lập thành phố Thủ Đức lần này có điểm gì khác so với ý tưởng trước đây, thưa ông?
– Trước đây mọi thứ chưa rõ, nhưng đề án thành lập thành phố Thủ Đức lần này rõ hơn về sự kết nối vùng và các động lực tăng trưởng của khu vực.
Đặc biệt, nó phù hợp với thời điểm chúng ta đang tập trung phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển khoa học công nghệ. Định hướng của đề án cũng rõ ràng hơn rất nhiều với mục tiêu xây dựng nơi đây thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao, nơi có không gian xanh, sạch, đẹp, đáng sống.
– Theo ông, để xây dựng thành phố Thủ Đức, cần làm gì để tránh các sai lầm trong quy hoạch khiến người dân bức xúc, phản đối, như bài học từ vụ Thủ Thiêm?
– Hiện, vấn đề Thủ Thiêm đã được TP.HCM giải quyết tương đối ổn. Nhưng vụ việc ở Thủ Thiêm cho thấy bài học lớn nhất, quý giá nhất là phải làm thật tốt, hiệu quả công tác quy hoạch. Chắc chắn khi xây dựng đề án thành lập thành phố Thủ Đức, TP.HCM hết sức chú ý điểm này.
Vấn đề quan trọng nhất tới đây là phải lập quy hoạch hợp lý, triển khai, thực thi quy hoạch nghiêm túc nhất, đảm bảo lợi ích của người dân.
Kỳ vọng đóng góp 30% GDP của TP.HCM
– Ông kỳ vọng gì khi thành phố Thủ Đức được thành lập?
– Với rất nhiều tiềm năng sẵn có, tôi kỳ vọng nơi đây sẽ phát triển đúng hướng, bền vững, là một thành phố xanh, một đô thị tương tác cao, là một nơi đi đầu trong đổi mới sáng tạo.
Tôi cũng kỳ vọng từ đây sẽ hình thành nên một trung tâm lớn, đóng góp khoảng 30% GDP của TP.HCM.
Hiện tại, TP.HCM đóng góp 23% GDP của cả nước. Nếu thành phố Thủ Đức góp được 30% GDP cho thành phố thì nơi đây sẽ giữ vai trò rất quan trọng trong sự phát triển trong tương lai.
Tất cả những yếu tố này cho ta niềm tin thành phố mới sẽ góp phần giúp TP.HCM trở thành trung tâm lớn về kinh tế – tài chính và cả khoa học – công nghệ.
– Để sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới khi một đơn vị hành chính được hình thành, ngay từ bây giờ, TP.HCM cần chuẩn bị những gì?
– TP.HCM đang xin chủ trương Chính phủ, Quốc hội để có cơ sở và hành lang pháp lý thực hiện đề án. Thành phố đã triển khai cuộc thi tuyển quốc tế về ý tưởng phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao và chọn được đơn vị đạt giải nhất.
Vấn đề còn lại là phải chuẩn bị thật tốt công tác quy hoạch.
Ngoài ra, TP.HCM cần chuẩn bị nguồn lực tài chính để đảm bảo đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.