Đến nay, hàng loạt ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất cho vay, thậm chí lãi suất có thể giảm về 0% để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid.
Hàng loạt ngân hàng đã giảm lãi suất, dự kiến lãi suất có thể giảm xuống 0% cho một số đối tượng. Ảnh minh họa
Vietcombank dành 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm 2-2,5% so với mặt bằng hiện nay. Các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu sẽ được giảm tới 2,5%/năm và hưởng mức lãi suất chỉ 4,5-5%/năm.
Agribank dành 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với lãi suất thấp hơn 1% (khoản vay VND) và thấp hơn 0,5% (đối với khoản vay bằng ngoại tệ) so với lãi suất cho vay cùng loại. Ngân hàng này sẽ kéo dài chính sách giảm lãi suất 1-1,5% đối với dư nợ hiện hữu (từ hạn 30/4 chuyển sang đến 30/9).
BIDV giảm đến 2%/năm lãi suất cho vay cả thế chấp lẫn tín chấp; Giảm đến 2%/năm (khoản vay bằng VND) cho các doanh nghiệp thuộc bị ảnh hưởng bởi Covid-19; Giảm đến 1%/năm (khoản vay bằng VND) cho cá nhân vay tiêu dùng tín chấp trả nợ bằng lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến thu nhập; Người lao động mất việc được hưởng trợ cấp 1,8 triệu đồng theo định hướng của Chính phủ cũng được giảm 2% lãi suất; Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vay mới cũng được giảm 2% so với lãi suất cho vay cùng loại.
VietinBank giảm 2% lãi suất cho vay và đưa gói tín dụng 60.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng.
VIB: Từ 1/4/2020 giảm từ 0,5% đến 2,0% trong 6 tháng cho tất cả doanh nghiệp là khách hàng hiện hữu. Như vậy, lãi suất cho vay doanh nghiệp tại đây chỉ còn 7,5%-9%/năm.
SHB dành 25.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay tối thiểu giảm 2%/năm so với lãi suất thông thường.
MSB tung gói tín dụng 7.000 tỷ đồng áp dụng đến hết 31/12/2020 cho khách hàng cá nhân vay tín chấp và vay thế chấp. Đối với vay tín chấp, MSB áp dụng lãi suất chỉ 12,99% trong 12 tháng đầu. Đối với vay thế chấp, khách hàng được lựa chọn lãi suất ưu đãi 6,99%/năm trong 6 tháng, 7,99%/năm trong 12 tháng, hoặc 8,75%/năm trong 18 tháng đầu. Đặc biệt, vay mua ô tô lãi suất là 8,99%/năm trong 24 tháng.
HDBank: Giảm lãi suất vay từ 2-4,5% cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng dịch Covid-19; Dành 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 6,5%/năm cho các cho doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho cho các chuỗi siêu thị cho người dân; dành 5.000 tỷ đồng tài trợ ưu đãi cho các khách hàng SMEs; dành 3.000 tỷ đồng tài trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị-vật tư y tế nhằm đáp ứng nhu cầu đối phó dịch bệnh…
Sacombank: Dành 10.000 tỷ đồng, giảm 2% lãi suất giảm từ ngày 27/2/2020 để phục vụ sản xuất kinh doanh. Từ 31/3/2020, lãi suất cho vay tại Sacombank đối với tất cả khách hàng giảm từ 0,5%-1%/năm.
Kienlongbank giảm 3%/năm lãi suất cho vay cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm ngập mặn, áp dụng từ 1/4 đến 30/6/2020 .
VPBank giảm lãi suất đến 2% cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cho một số đối tượng và đáp ứng được tiêu chí của ngân hàng này.
TPBank dành 5.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, 4.000 tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp lớn và 3.000 tỷ dành cho khách hàng cá nhân, với lãi suất giảm 1,5-2,5% so với lãi suất hiện hành.
ACB: Giai đoạn 1 dành 25.000 tỷ hỗ trợ cho cay các doanh nghiệp, cá nhân bị tác động dịch Covid-19 với lãi suất ưu đãi giảm 0,5%-1,5% so với lãi suất thương mại năm 2019. Giai đoạn 2 (từ 31/3) dành 10.000 tỷ dành cho các khách hàng đặc biệt khó khăn bởi Covid-19; Thời gian cho vay từ 36-48 tháng, vốn gốc được ân hạn đến 12 tháng; Lãi suất vay thấp hơn đến 2% so với mặt bằng lãi suất vay của 2019.
Ngân hàng Chính sách xã hội: Từ 1/4 đến hết năm 2020, hộ nghèo vay vốn sẽ được giảm 15% của mức lãi vay hiện nay, các đối tượng chính sách ở các chương trình khác cũng được giảm thêm 10% của mức lãi vay hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương như dự thảo Nghị quyết được Bộ KHĐT trình về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, doanh nghiệp được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động. Dự kiến số tiền cho vay là 16.200 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ 3 triệu lao động.
Như vậy, tới khi được phê duyệt thì gói vay này tại Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ là gói tín dụng có lãi suất thấp nhất: 0%/năm.